60 năm so với chiều dài lịch sử của một quốc gia thì thật là không có gì nhưng với đời sống con người nhất là cuộc đời âm nhạc thì là cả một quãng thời gian dài đầy ý nghĩa và vô vàn giá trị. Tôi muốn nói tới nhạc sĩ Lê Dinh và 60 năm âm nhạc của anh.
Trước khi đi vào chủ đề bài viết, chắc bạn đọc cũng đồng ý với tôi là trong những phương tiện khích động lòng người như báo chí, thơ truyện, hình ảnh và âm nhạc thì giai điệu lời ca của bản nhạc đã ảnh hưởng rung động tới tâm tình thái độ con người nhiều nhất. Để bài viết được hệ thống hóa theo thứ tự thời gian, tôi xin chia số lượng bài viết Lê Dinh ra làm hai giai đoạn trước 1975 và sau 1975.
Nhạc Lê Dinh trước 1975
Tôi mê nhạc Lê Dinh từ hồi còn là một thư sinh tay trắng mộng đầy trên quê hương giờ đây đã nhìn trùng xa cách và bây giờ lại có được vinh hạnh quen biết anh trong những buổi sinh hoạt của hội ái hữu Cựu Học Sinh Nguyễn Đình Chiểu Lê Ngọc Hân tại Montreal mà anh là đồng môn niên trưởng tài hoa của tôi.
Có thể nói không cường điệu là nhạc sĩ Lê Dinh trong thập niên 50 đã cùng với một số ít nhạc sĩ khác như Văn Phụng, Dương Thiệu Tước, Châu Kỳ, Nguyễn Hiền, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoàng Trọng, Y Vân, Đan Thọ…đã tiên phong sáng lập một nền âm nhạc nhân bản đầy tình tự quê hương, bản sắc dân tộc cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa non trẻ dễ thương của chúng ta.
Nhạc Lê Dinh gồm đủ chủ đề nội dung và mọi thể loại từ trầm buồn nhẹ nhàng tới vui nhộn lắc lư nhưng giai điệu tiết tấu nào cũng đạt tới tuyệt đỉnh của nó. Một cách tổng quát, qua cách nhìn chắc không tránh khỏi phần chủ quan của tôi, nhạc Lê Dinh được dàn trải qua ba thể loại trong hoàn cảnh chiến chinh khói lửa trên quê hương:
- Nhạc lính
- Nhạc quê hương
- Nhạc tình
1). Nhạc lính: Lê Dinh gần như sống cả một chuỗi dài thởi gian trên một đất nước tràn ngập binh lửa, thế nên hình ảnh người lính chiến luôn nổi bật trong nhạc phẩm của anh. Những chàng trai đã bỏ lại đàng sau cả tuổi thanh xuân hoa mộng, bỏ người yêu bé bỏng, người vợ hiền và đàn con thơ dai để dấn thân vào vòng lửa đạn, đem sinh mạng gần kề biên giới tử sinh chỉ với trách nhiệm cao cả là bảo vệ tư do cho quê hương trước tham vọng của Việt Cộng muốn thôn tính miền Nam theo lệnh quan thầy Nga Hoa. Những hình ảnh kiêu hùng đó đã ảnh hưởng nhiều đển lời ca nốt nhạc của người nhạc sĩ nặng tình yêu quê hương dân tộc.
Theo tiếng gọi núi sông, chàng trai giã từ mẹ già, vợ hiền con dại để khoác chiến y lên đường tùng chinh diệt giặc Cộng:
Hôm nao anh đi, trong tiếng hát hành quân
Mẹ già bồng em thơ ra đứng đón bên thềm
Có nhắn đôi lời rằng: Này nhớ con ơi
Ngày về chẳng bao lâu ghi tình dấu
Hôm nao anh đi theo chí hướng ngàn phương
Vợ hiền bồng con thơ ra đứng đón bên đường
Có nói thêm rằng: Ngày về mến thương nhau
Rồi tình ta sẽ lâu dài. (Hôm nào anh đi)
Nhiều đêm trên tiền đồn heo hút, sau phiên gát giặc, người lính vẫn thao thức nhớ về em gái hậu phương đang mòn mỏi lo âu đợi chờ:
Thương em... nhớ em nhiều lắm
Anh thức cả đêm... viết lên... tâm tình này
Biên cương... gió mưa lạnh lẽo
Cây rừng rũ buồn... cho lòng người buồn lây
Ai chia... non nước... nước non ơi
Người... đi chinh chiến... sống gian lao... ngoài biên cương
Ai gây... thương nhớ... nhớ thương ơi
Sầu... cho thân gái... sống đơn côi... miền hậu phương. (Bài hát nầy cho em)
Sau những ngày hành quân hiểm nguy gian khó, trong khi vận chuyển về hậu cứ, người lính vẫn không quên viết thư cho người yêu ngay. Thật không thể nào tìm ra một hình ảnh nào dễ thương và lãng mạn cho bằng:
Sau ngày hành quân anh về vui trong chiến thắng
Súng còn đeo vai đã viết thư cho người yêu
Em ơi thư vắn hơn tình
Xin em đừng buồn xin em đừng hờn
Chớ bảo không thèm không đọc thư anh. (Sau ngày hành quân)
Ðừng chê anh lính đám cưới nhà binh em ơi
Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời
Ðằng trai của anh đi chiếc xe tăng tàu bay
Ðám cưới tụi ta linh đình biết mấy
Bạn anh không thiếu trong đám chàng trai hiên ngang
Tha thiết tình yêu hơn cả bạc vàng
Ðằng trai của anh ra rước cô dâu thật sang
Nhà trai nhà gái vui vẻ cả làng. (Đám cưới nhà binh)
Bài ca thuộc loại quậy nầy mà do Mai Lệ Huyền, Hùng Cường hát đó hả! thì có nước sập sân khấu luôn.
Trong cuộc chiến chống giặc Cộng xâm lăng, có những chàng trai quê mùa chơn chất bị Cộng Sản và Hồ Chí Minh bịp bợm lưu manh dụ dỗ đi theo chúng trong cuộc cách mạng mùa Thu mà phản bội lại quê hương dân tộc. Đối với những con người lầm đường đáng thương nầy, Lê Dinh cũng mở lượng từ tâm kêu gọi họ tìm về con đường chính nghĩa:
Chiếc lá hoe vàng rơi rơi thì là thu đến rồi, nhớ tới thu nào anh đi, ngày ngày em vẫn đợi.
Có những đêm dài tiếc nhớ vì lầm tin anh đã dấn thân nơi chốn mịt mờ lê kiếp sống phong sương
Thắm thoát bao thu đã qua từ ngày xa vắng rồi, nhớ mãi bao giờ cho nguôi, kỷ niệm xưa nhớ hoài.
Anh ơi quay về đi anh về miền Nam thương mến có sông xưa bến đò đã bao ngày chờ đón anh
Ôi đau xót vô vàn, thương mến vô ngần cho anh trai đã lạc hướng
Nơi phương Bắc giờ đây đang sống lầm than, hận sầu tràn dâng xóm làng. (Tháng mấy anh về)
Nhiệm vụ thiêng liêng cao cả người lính chiến là phải gìn giữ an ninh lãnh thổ trên mọi vùng đất nước từ miền đồng bằng sình lầy cho tới khu đèo heo hút gió cao nguyên xa xôi:
Trên bước đường hành quân diệt giặc, người lính Cộng Hòa tình cờ gặp một nàng thôn nữ rồi hai bên "love at first sight" trong một cuộc tình trong sáng giữa chàng trai tiền tuyến và cô gái hậu phương nhưng đành phải chờ chàng diệt xong giặc thù mới tính chuyện tương lai. Câu chuyện tình thời chiến thường là như vậy nên nhạc sĩ Lê Dinh đã dệt thành một nhạc phẩm trầm buồn tha thiết làm rung động tê tái tâm hồn người nghe:
Quen nhau từ năm tháng rồi
Ngàn phương xa vời
Anh đến nơi này để rồi quen nhau mãi mãi
Anh trai người trai chiến trường
Rời xa phố phường
Vui bước lên đường để mà xây đắp quê hương
............................
Quen nhau từ nơi xóm làng
Tình thương dâng chàng
Chàng trai Cộng Hòa đẹp tình duyên bao năm tháng
Quen nhau dù cho núi mòn
Dù sông có cạn
Chia cách đôi đàng thì lòng ta chẳng quên nhau. (Ngày ấy quen nhau)
2) Nhạc quê hương: Qua dòng nhạc quê hương của Lê Dinh, chúng ta thấy phảng phất đâu đó một miền Nam xinh tươi thơ mộng, cây ngọt trái lành, nhân tình hiền hòa đôn hậu.
Tình yêu sông nước miền Nam của nhạc sĩ gốc Gò Công đã thấm sâu vào huyết quản tim óc của anh nên ngay trong bản nhạc đầu tiên, Lê Dinh đã viểt nhạc phẩm “Làng anh làng em” nhẹ nhàng đậm đà tình tự quê hương với lời lẽ bình dị và đặc sệch “miệt vườn”: “Làng anh, nơi chốn thôn quê, xa cách thị thành, vằng bóng người kinh. Làng em, một dãy đồng xanh, muôn bóng người dân, năm tháng no lành. Làng anh, sớm tôi người dân, gốc sắn nương khoai, cày sâu cuốc bẫm. Làng em, có bao trai làng với bao cô nàng một sớm sang ngang...”
Nhạc quê hương của Lê Dinh đã đưa chúng ta đi từ tận cùng miền Tây màu mở phì nhiêu với thành phố thắng cảnh Hà Tiên nổi tiếng đặc sản lúa thơm hạt tiêu: "Hà tiên ơi, đây miền xinh tươi như hoa gấm trong đời hà tiên ơi, đây những bóng dừa xanh mát biển khơi tôi qua lăng Mạc Cửu nằm trên con voi phục tôi vô thăm Thạch Động trời bát ngát mênh mông nghe chuông ngân chiều vắng như tiếng nói cô miên xao xuyến tâm tư người ghé thăm Hà Tiên". (Hà Tiên)
Cho tới xứ Gò Công địa linh anh kiệt của nhà ái quốc anh hùng Trương Công Định mà Lê Dinh đã chuyên chở tâm lòng yêu mến nơi mình sinh ra và lớn lên:
Ôi quê mình đẹp sao
Gò Công xứng danh địa linh
Giồng Sơn Qui - đất lành bia đá còn ghi
Gò Công, ai về nhớ mãi trong lòng
Mênh mông đám lá, tối trời mênh mông.
.........................................................
Ai qua Gò Công
Mà không ghé thăm chợ Dinh
Để nghe tiếng hò cô gái ngoài kinh. (Thương về Gò Công)
Trong nỗi lòng lòng yêu thương đất thần kinh văn vật, mặc dù không sinh trưởng tại Huế, nhưng với bản chất đa tình của người nghệ sĩ, Lê Dinh đã họp soạn với Minh Kỳ trang trải nỗi lòng cô gái Huể́ nhung nhớ người yêu giờ đã ngàn trùng xa cách qua nhạc phẩm bất hủ Mưa trên phố Huế, một bản nhạc trầm buồn êm nhẹ đã làm xao xuyến bao người nhất là những nữ sinh Đồng Khánh thướt tha tà áo trắng dễ thương và chiếc nón bài thơ gợi tình:
Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài
Tình yêu quê hương của Lê Dinh không chỉ giới hạn trong pham vi ruộng lúa đồng bằng hay thùy dương cát trắng mà con trải rộng lên tận vùng cao nguyên rừng núi:
Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương.
Nắng úa trên cành lá khi ánh chiều buông.
Tiếng hát cô vường nương trên rừng chiều bao la, qua suối đồi khe lá.
Tiếng hát ai buồn quá bên lưng đèo cao
Tiếng suối bên ngành đá dư âm về đâu.
Nghe ngợi bao niềm thương yêu về miền cô liêu
Bên bản xưa rừng chiều. (Chiều lên Bản Thượng)
Quê hương của Lê Dinh ngoài lũy tre xanh rợp mát, cánh đồng xanh lúa mạ, tiếng sáo diều vi vu, sông rạch hiền hòa, còn là những buổi họp mặt gặp gỡ bạn bè vui đùa ca hát:
Cầm tay nhau mà ca hát vang đêm nay
Nhìn nhau đi rồi mai chúng ta chia tay
Ngày mai đây trong bốn phương trời
Anh em đem sức xây đời cho thêm biết bao niềm vui. (Họp lửa rừng đêm)
3). Nhạc tình:“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở - Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Mấy ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu mà chưa nghe thấy hai câu thơ tình lãng mạn nổi tiếng này của thi sĩ Hồ Dzếnh. Câu thơ hay và thấm thía mà sao càng đọc càng thấy đúng và đau đối với những người thất tình kinh niên như người viết bài nầy.
Để chia sẻ cho những cuộc tình không trọn vẹn, Lê Dinh viểt lên ca khúc “Ngang trái” như lời oán than ngút ngàn:
Tình yêu mang đến niềm đau
Ngày xa xưa ấy còn đâu
Để rồi thương và nhớ mãi
Người mình yêu giờ chẳng thấy
Yêu nhau không trọn đôi đầu
Buồn ơi ngang trái là bao
Người tôi thương mến giờ đâu. (Ngang trái)
Tình yêu tự nó không biên giới của chủng tộc, sang hèn kiến thức, thể nên chàng trai Kinh phồn hoa đô hội đem lòng yêu nàng sơn nữ mộc mạc ngây thơ cũng không làm ai ngạc̣ nhiên. Trong tâm tình đó, Lê Dinh đã cùng Minh Kỳ họp soạn bài “ Người em xứ Thượng” với tiết tấu Bolero nhịp nhàng thanh thoát làm rung động lòng người: "Người em xứ Thượng mà tôi đã quen những khi hành quân. Để thương nhớ nhiều qua bao buổi chiều khi mới quen nhau. Người em mến thương, tóc chưa phai màu, vui câu hát năm tháng bên rừng sâu, cho đời sống chẳng vương bao u sầu". (Người em xứ Thượng)
Viết tới đây, tôi muốn hỏi nhỏ nhạc sĩ Lê Dinh là sáng tác quá nhiều nhạc phẩm Thượng mà không biết anh có bị "coup de foudre" với một cô Thượng nào hay không, để bị hậu quả là: “ Ngày mai đám cưới người ta -Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn” thì buồn thiệt đó nha.
Giờ đây trong bóng đêm mình tôi bên chiếc hình
Bao kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa
Như sống lại người ơi trong ánh mắt
Dù cho cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài
Tháng năm qua hình bóng khó phai mờ
Ôi khó phai mờ thời niên thiếu mộng mơ...!(Tấm ảnh ngày xưa)
Một trong những bài tình ca rất nổi tiếng của Lê Dinh vào cuối thập niên 50 và có thể xem như "top hit" thời bấy giờ được nhiều ca sĩ hát. Đó là bản “Thương đời hoa” mà người nhạc sĩ cảm thương đời một ca kỷ đang bước vào bóng hoàng hôn cuộc đời với sự tàn phá của thời gian và đau đớn thay với những thờ ơ lạnh nhạt của người đời. Giai điệ́u réo rắc chơi vơi, lời ca than oán ngậm ngùi, thể điệu tango lã lướt bay bướm đã đưa người nghe tới một thế giới tịch liêu u hoài: "Buồn viết nên bài ca, vì nhớ thương đời hoa, Mặn mà thay lúc đầu, dịu dàng khoe sắc mầu, nhìn giòng đời vui biết bao, Ngày ấy nay còn đâu, vì xác hoa tàn mau, Ngại ngùng hoa biếng cười, vì đời hoa úa rồi mà thời gian lạnh lùng trôi". Bản nhạc nầy tôi từng nghe hồi thời Trung Học mặc dù lúc đó chưa nhuốm bụi đường trần mà sao vẫn thấy nao nao buồn.
Trong tình yêu đôi lứa nếu có những cuộc tình thăng hoa trọn vẹn đưa đến hình ảnh tuyệt vời hạnh phúc của “chàng đưa nàng về dinh” thì cũng không ít cuộc tình không tới và kết thúc bằng nước mắt đau thương dang dở. Trong niềm chia sẻ đó và với bản chất nhạy cảm của người nghệ sĩ, Lê Dinh đã ghi lại nổi đau lỡ làng duyên phận qua bản nhạc “Xác pháo nhà ai” như một nhát chém làm tan nát cả lòng:
Xác pháo còn rơi cuối đường
Nhớ mãi tình duyên lỡ làng
Một người tách bến nơi nao
Người về chiếc bóng đêm thâu
Anh ơi thôi tan hết mộng đầu
Đặc biệt trong dòng nhạc của Lê Dinh, thỉnh thoảng người thưởng thức được nghe bản nhạc tình lồng vào nét hùng ca làm trái tim mở rộng theo tiếng thúc giục gọi mời của điệu nhạc. Đó là tuyệt tác :” Tôi đã gặp” và được ban Tứ Ca Nhật Trường trình diễn thì thiệt là nghe mà muốn... rụng rún luôn:
Tôi đã gặp anh người trai quá hiên ngang
Đi xây cuộc đời vì lứa tuổi đôi mươi
Biên cương xa xôi, anh vì yêu sông núi
Đem vinh quang gieo ngàn nơi.
.....................................
Gặp nhau cầm tay nói vài câu
Thương mến trao nhau, anh đi về đâu?
Rừng sâu đồi cao dốc, đèo nao hiểm nguy
Chớ sờn bền tâm tranh đấu.
Gặp nhau rồi thương nhớ dài lâu
Nhớ lúc ra đi không vương sầu chi
Ngày mai, ngày sông núi vẻ vang niềm vui
Xóm làng lời hát vang vang
Thỉnh thoảng, Lê Dinh cũng sáng tác nhạc tâm linh nói về kiếp nhân sinh phù du: "Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho, ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi, trở về cát bụi, giàu khó như nhau. Nào ai biết trước, số phận ngày sau, ông trời sẽ trao. Này nhà lớn, lầu vàng son, này lợi danh, chức quyền cao sang. Có nghĩa gì đâu... sao chắc bền lâu. Như nước trôi qua cầu... (Trở về cát bụi). Nói thiệt với quý bạn là bản nhạc nầy tôi nghe không biết bao nhiêu lần tới độ gần như thuộc lòng nhưng mãi sau nầy tôi mới biết đó là của anh Lê Dinh. Rõ quê!
Trong 60 năm sáng tác, nhạc tình Lê Dinh đã nở rộ trong vườn hoa trăm hồng ngàn tía, tô điểm nét tươi thắm rạng rỡ lãng mạn trong đời sống tình cảm con người. Ngoài ra anh còn kết hợp với hai nhạc sĩ Minh Kỳ Anh Bằng để phô diễn nét tinh hoa âm nhạc VN qua tên chung: Lê Minh Bằng. Nhóm Lê Minh Bằng đã sáng tác nhiều nhạc phẩm nối tiếng như: Linh hồn tượng đá, Kiếp cầm ca, Đêm nguyện cầu, Cho người tình nhỏ...
Riêng trong việc hợp soạn của Lê Dinh - Minh Kỳ, hai anh đã sáng tác hai bản nhạc xuân để đời mà chắc tất cả chúng ta đều đã nghe qua khi mỗi độ Xuân về: Cánh thiệp đầu Xuân và Hạnh phúc đầu Xuân.
Nhạc Lê Dinh sau 1975
Sau cuộc đổi đời bi thảm, trận đại hồng thủy của thê lương tang tóc đã nhận chìm cả miền Nam vào 1975, nhạc sĩ Lê Dinh bị kẹt lại trong gông cùm Việt Cộng và đã phải ngậm đắng nuốt cay trong tủi nhục ê chề để sống dưới một chế độ ma-ze in Viet Nam** độc tài sắt máu nhất của lịch sử nhân loại.
Năm 1978, Lê Dinh cùng gia đình vượt biên tới định cư ở Montreal (Canada) và làm việc tại hãng tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation. Federation cũng là hãng tàu nhân ái đã cứu vớt 40 thuyền nhân trên chiếc ghe vượt biên mong manh sắp chìm giữa đại dương trong đó có gia đình anh vào năm 1978.
Sau khi ổn định cuộc sống, anh Lê Dinh tiếp tục sáng tác nhạc trong đó có một số nhạc cộng đồng, tình yêu người ở lại, những trăn trở xót thương cho quê hương và cả nhạc tâm linh mà trong số nầy, tôi thích nhất là bản ”Tuy xa nghìn trùng”. Bản nhạc nói lên sự chia cách của một đôi tình nhân trong hoàn cảnh tan tác phân ly sau ngày mất nước. Ngoài ra giai điệ́u “Tuy xa ngàn trùng” thật trầm bổng lâng lâng qua thể điệu slow nhẹ nhàng dìu dặt và với lời ca đau xót não nùng khiến người nghe dù không có người yêu đang oằn oại bên kia trời quê hương cũng vẫn thấy cay đắng ngậm ngùi:
Ai gieo chi u sầu nhân thế
Cuộc đời tan tác chia ly
Người đi nào có vui gì
Người ở lại con tim héo hắt
Không ngừng rơi rơi nước mắt
Khóc cho mình và khóc cho ai
Tuy xa nghìn trùng mà nhớ không nguôi
Nu hôn ánh mắt nụ cười
Không phai mờ trong đáy tim tôi
Đường yêu như bóng tối đêm thâu
Ước nguyện như nắng nhạt màu
Biết khi nào thôi hết đớn đau. (Tuy xa nghìn trùng)
Sống ở xứ người được hưởng đầy đủ tự do, tiện nghi văn minh vật chất nhưng nhạc sĩ lúc nào cũng trăn trở cho hoàn cảnh đen tối mịt mờ của quê hương dân tộc để thấy lòng thương tâm đau xót:
Uớc gì tôi là gió
Để tôi theo mây trắng
Thăm quê hương lầm than
Ước gì tôi là trăng
Để đêm đêm soi sáng
Quê hương tôi điêu tàn
Ước gì tôi là nắng
Để xua tan sóng gió
Trên quê hương đó Việt Nam. (Lời khấn cầu)
82 tuổi đời, 60 năm viết nhạc, trải qua bao thăng trầm trong đời, Lê Dinh đã ngộ cái lẽ vô thường phù du của tạo hóa bèn viết nên bản nhạc “Rồi cũng qua đi” âm hưởng nhẹ nhàng thanh thoát như một lời nhắc nhở con người ý thức sự mong manh cuộc đời mà gạt đi cái nghiệp “chấp ngã” hướng về đời sống tâm linh cho cho cõi lòng được thanh thản nhẹ nhàng trước khi “làm bạn cùng giun với dế”:
Rồi cũng sẽ qua cuộc đời này
Rồi cũng sẽ phai hình bóng này
Rồi cũng quên đi, tình yêu này
Dòng đời tựa như trái đất đổi thay
......................................................
Còn giữ mãi đâu, được bạc tiền
Còn có nữa đâu, chuyện nhiễu phiền.
Chỉ thấy mai đây, một thân gầy làm bạn cùng giun với dế, người ơi!
Thôi sẽ không còn, tình ái đau buồn.
Chiều xuống đêm về.
Một mình cô đơn mênh mông bóng tối, trên đồi gió hú hoang vu. (Rồi cũng qua đi)
Với tâm lòng trỉu nặng tình yêu quê hương dân tộc, nhạc sĩ Lê Dinh lúc nào cũng giương cao ngọn cờ vàng chính nghĩa tại hải ngoại bằng mọi hình thức như lên tiếng chống Cộng trong công luận bản xứ, viết nhạc vinh danh để hỗ trợ cuộc đấu tranh cho tự do nhân quyền của các nhà bất đồng chính kiến trong nước như nữ anh thư Phương Uyên và anh hùng Nguyên Kha:
Em mặc áo trắng ra tòa
Em hiên ngang đứng giữa phiên tòa
Em ngước cao tự hào:
“Tôi yêu nước tôi mà có tôi sao?”
..............................................
Uyên-Kha làm quân thù run sợ
Nhưng làm rực sáng triệu con tim
Hai thiên thần chấp cánh bay lên
Cho quê hương ngước mắt khâm phục. (Một nụ hoa cho Phương Uyên - Nguyên Kha)
Những bản nhạc đầy nhân bản yêu thương tình tự dân tộc của Lê Dinh so với nhạc tuyên truyền sắt máu của VC thì chẳng khác nào hat minh châu bảo ngọc trân quý nằm kề bên đống rác rửi tanh hôi ô uế. Nhiều người nói với tôi rằng, trong quá trình thưởng thức nhạc VN, nhiều lần họ nghe bản nhạc hay nhưng không biết tên tác giả bèn nóng lòng truy tìm thì... hóa ra là nhạc anh Lê Dinh. Một cách tổng quát, Lê Dinh viết nhạc qua nhiều thể điệu nhưng thường thấy nhất là:
- Bolero: Tấm ảnh ngày xưa, Sau ngày hành quân, Người em xứ Thượng, Họp lửa rừng đêm, Bài hát nầy cho em, Ga chiều, Đường về khuya, Ngày sau sẽ ra sao, Ngày ấy quen nhau...